
Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1930, World Cup, giải đấu bóng đá cấp độ đội tuyển quốc gia có quy mô lớn nhất, đã trải qua hàng loạt những sự thay đổi và cải tiến. Ở World Cup 2026, FIFA đã có những sự thay đổi tích cực, như gia tăng số đội tham dự, cũng như điều chỉnh các luật lệ thi đấu.
Đáng chú ý, FIFA đang cân nhắc thay đổi thời gian tổ chức World Cup, từ bốn năm thành mỗi hai năm một lần. Dù vậy, sự thay đổi này của FIFA đang vấp phải sự chỉ trích không nhỏ đến từ không chỉ người hâm mộ bóng đá, mà còn chính ở những cầu thủ và ban huấn luyện đội tuyển. Vậy, liệu việc tổ chức World Cup hai năm một lần có thực sự khả thi và cần thiết?
Đề Xuất Của FIFA Về Việc Tổ Chức World Cup Mỗi Hai Năm Một Lần
Vào năm 2021, Arsène Wenger, cựu huấn luyện viên của Arsenal và hiện là Giám đốc Phát triển Bóng đá Toàn cầu của FIFA, đã đề xuất tổ chức World Cup với chu kỳ hai năm một lần thay vì bốn năm như truyền thống. Mục tiêu của đề xuất này là tăng cơ hội cho các đội tuyển nhỏ tham gia, tối ưu hóa lịch thi đấu quốc tế và tăng doanh thu cho FIFA.

Dù đây chỉ mới là ý tưởng sơ khai và chắc chắn FIFA sẽ không áp dụng trong tương lai gần, song những đề xuất của cựu HLV Arsenal đã vấp phải những ý kiến trái chiều của những người có chuyên môn. Javier Tebas, chủ tịch của giải đấu La Liga, đã thẳng thắn cho rằng việc World Cup được tổ chức mỗi hai năm một lần có thể làm cho các giải đấu quốc nội bị thay đổi, dẫn tới mất đi sự phấn khích của người hâm mộ. Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin, cũng phản đối hết sức quyết liệt, cho rằng việc tổ chức World Cup hai năm một lần sẽ làm giảm giá trị của giải đấu và gây áp lực lên lịch thi đấu quốc tế. Ngoài ra, nhiều người hâm mộ và cầu thủ cũng bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của đề xuất này đối với tình trạng thể lực của các cầu thủ.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều những huyền thoại bóng đá, bao gồm “Người ngoài hành tinh” Ronaldo, hay cựu cầu thủ của đội tuyển Úc, Tim Cahill, ra sức ủng hộ đề xuất mới của HLV Arsène Wenger. Họ đều cho rằng ý tưởng tổ chức World Cup với chu kỳ hai năm một lần nhằm tạo ra một sân chơi công bằng và mở rộng hơn cho toàn cầu, đồng thời không hề làm mất đi sự hấp dẫn của các giải đấu khác.
Những Lợi Ích Nếu Tổ Chức World Cup Hai Năm Một Lần
1. Tạo Ra Cơ Hội Tham Dự Cho Các Đội Tuyển Yếu

Mặc dù World Cup là sân chơi chỉ dành riêng cho những đội tuyển mạnh nhất, nhưng việc tổ chức ở chu kì 4 năm một lần đã gián tiếp làm mất đi cơ hội góp mặt ở sân chơi thế giới cho các nền bóng đá kém phát triển. Chỉ cần một sai lầm nhỏ ở vòng loại cũng có thể khiến những đội tuyển này lỡ cơ hội góp mặt ở giải đấu lớn nhất hành tinh.
Vì thế, việc World Cup được tổ chức thường xuyên hơn sẽ giúp các đội tuyển được cọ xát ở vòng loại nhiều hơn, mở ra cánh cửa được thi đấu tại World Cup. Điều này cũng khuyến khích các quốc gia đầu tư nghiêm túc hơn vào phát triển bóng đá trẻ, cơ sở hạ tầng và hệ thống đào tạo, từ đó thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia mà nền bóng đá còn chưa được chú trọng.
2. Tăng Doanh Thu Cho FIFA Và Các Quốc Gia Đăng Cai
Với các nước chủ nhà World Cup, việc được lựa chọn để đăng cai giải đấu này đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội để thu về lợi nhuận khổng lồ. Từ World Cup 2002 tới nay, doanh thu mà các nước chủ nhà thu được tăng dần, thống kê theo bảng sau:
Giải Đấu | Nước Chủ Nhà | Doanh Thu Ước Tính (USD) |
World Cup 2002 | Hàn Quốc – Nhật Bản | 1,6 Tỷ |
World Cup 2006 | Đức | 2,6 Tỷ |
World Cup 2010 | Nam Phi | 4,2 Tỷ |
World Cup 2014 | Brazil | 4,8 Tỷ |
World Cup 2018 | Nga | 5,2 Tỷ |
World Cup 2022 | Qatar | 6,5 Tỷ |
Bên cạnh đó, các nước chủ nhà cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ du lịch, cơ hội việc làm, các hợp đồng quảng cáo và góp phần đưa hình ảnh của mình lan tỏa nhiều hơn đến thế giới. Mỗi kỳ World Cup mang theo hàng triệu người hâm mộ và sự quan tâm toàn cầu, là cơ hội hiếm có cho bất kỳ quốc gia nào muốn khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao quốc tế.
Bản thân FIFA cũng được hưởng lợi từ việc tổ chức World Cup. Ở kỳ World Cup 2022 vừa qua, tổ chức này đã thu về hơn 7,5 tỷ USD. Theo các tính toán sơ bộ, việc tổ chức World Cup theo chu kỳ hai năm có thể giúp FIFA nhận thêm 4,4 tỷ USD so với 4 năm. Số tiền này có thể được dùng cho công tác đào tạo trẻ, cải thiện cơ sở vật chất ở các nền bóng đá kém phát triển.
3. Gia Tăng Sự Hứng Khởi Cho Người Hâm Mộ

Người hâm mộ chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất nếu như World Cup được tổ chức hai năm một lần. Thay vì phải chờ đợi đến bốn năm, cổ động viên giờ đây sẽ được nhìn thấy những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới cạnh tranh với nhau thường xuyên hơn, giúp duy trì cảm xúc và sự kết nối với đội tuyển yêu thích nồng nhiệt hơn, góp phần củng cố và lan tỏa tình yêu bóng đá đến mọi quốc gia trên thế giới.
4. Rút Ngắn Chu Kì Chuyển Giao Thế Hệ
Một vấn đề thường thấy trong bóng đá quốc tế là nhiều cầu thủ tài năng không thể tham dự World Cup chỉ vì chấn thương đúng thời điểm hoặc vì chu kỳ 4 năm khiến họ lỡ mất giai đoạn đỉnh cao phong độ.
Với chu kỳ hai năm một lần, các thế hệ cầu thủ mới sẽ có nhiều cơ hội hơn để thi đấu ở cấp độ cao nhất, không còn bị giới hạn bởi yếu tố thời gian. Điều này không chỉ giúp việc chuyển giao thế hệ diễn ra mượt mà hơn mà còn giúp các đội tuyển duy trì tính cạnh tranh trong suốt các giai đoạn phát triển.
Những Rủi Ro Có Thể Xảy Ra Khi World Cup Được Tổ Chức Thường Xuyên
1. Gia Tăng Áp Lực, Gây Quá Tải Cho Cầu Thủ

Tại World Cup 2022, đã có một loạt những ngôi sao hàng đầu thế giới phải ngồi ngoài vì chấn thương, có thể kể đến như Reece James (Anh), Paul Pogba (Pháp), hay Georginio Wijnaldum (Hà Lan). Đây là hệ quả khi các cầu thủ phải liên tục cày ải ở các đấu trường khác nhau trong một năm, khiến cho thể trạng của họ bị quá tải. Bên cạnh đó, việc xuất hiện dày đặc các giải đấu bóng đá đã khiến các cầu thủ gần như không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, do đó tỷ lệ các cầu thủ dính chấn thương nặng ngày một tăng, tiêu biểu như Rodri (Man City), Ter Stegen (Barcelona), David Alaba (Real Madrid).
Việc tổ chức World Cup hai năm một lần sẽ làm tăng tần suất thi đấu ở cấp độ cao nhất, đồng nghĩa với việc thể lực và sức khỏe cầu thủ bị bào mòn, gia tăng nguy cơ chấn thương và ảnh hưởng đến tuổi thọ sự nghiệp của họ. Không ít người đã lên tiếng phản đối đề xuất này, trong đó có những ngôi sao lớn như Kylian Mbappé và Luka Modrić.
2. World Cup Được Tổ Chức Thường Xuyên Có Thể Làm Giảm Đi Giá Trị Của Chính Nó
World Cup từ lâu đã được xem là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh – một sự kiện hiếm có diễn ra bốn năm một lần, tạo nên sự chờ đợi, kỳ vọng và cảm xúc mãnh liệt cho người hâm mộ.
Nếu tổ chức với tần suất hai năm một lần, nhiều chuyên gia lo ngại rằng tính biểu tượng, sự độc đáo và giá trị cảm xúc của World Cup sẽ bị phai nhạt. Những khoảnh khắc huy hoàng sẽ dễ bị lặp lại, và người hâm mộ có thể không còn cảm thấy “đặc biệt” như trước.
3. Có Thể Ảnh Hưởng Đến Các Giải Đấu Khác
Việc World Cup được tổ chức thường xuyên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lịch thi đấu của các giải đấu khác, như Asian Cup (châu Á), Euro (châu Âu), Copa America (Nam Mỹ) hay CAN (châu Phi). Điều này sẽ gây áp lực lên các hiệp hội bóng đá ở các châu lục trong việc sắp xếp lịch thi đấu, đồng thời khiến các HLV đau đầu trong việc sắp xếp nhân sự và tính toán vấn đề thể lực.
Thêm vào đó, các giải đấu lớn như UEFA Champions League cũng sẽ phải điều chỉnh lịch thi đấu, trong bối cảnh các cầu thủ phải thường xuyên tập trung cho ĐTQG.
4. Đề Xuất Thay Đổi Lịch Thi Đấu World Cup Chưa Nhận Được Sự Đồng Thuận Của Các Liên Đoàn Bóng Đá
Nhiều liên đoàn bóng đá, đặc biệt là ở châu Âu và Nam Mỹ, đã kịch liệt phản đối đề xuất của FIFA, cho rằng đây là quyết định mang tính đơn phương, thiếu sự tham vấn và gây ảnh hưởng đến cấu trúc hiện tại của bóng đá thế giới.
UEFA và CONMEBOL đã ra tuyên bố chung phản đối việc rút ngắn chu kỳ World Cup, nhấn mạnh rằng sự thay đổi này không chỉ gây tổn hại đến cầu thủ mà còn ảnh hưởng đến tính bền vững của bóng đá cấp độ CLB và đội tuyển. Nhiều CLB lớn cũng đã lên tiếng, lo ngại rằng họ sẽ mất cầu thủ quan trọng trong thời gian dài vì nghĩa vụ quốc tế.
Kết Luận
Ý tưởng tổ chức World Cup hai năm một lần do rõ ràng có những lợi ích và tác hại dễ thấy. Về lý thuyết, đề xuất này mang lại nhiều lợi ích như gia tăng cơ hội cho các đội tuyển nhỏ, thúc đẩy sự phát triển bóng đá toàn cầu, rút ngắn chu kỳ chuyển giao thế hệ và tạo thêm cảm xúc cho người hâm mộ.
Tuy nhiên, những lo ngại về sức khỏe cầu thủ, ảnh hưởng đến giá trị truyền thống của World Cup và nguy cơ xung đột với các giải đấu hiện có là những vấn đề không thể xem nhẹ. Việc thay đổi lịch sử và cấu trúc của giải đấu lớn nhất hành tinh cần được cân nhắc kỹ lưỡng, có sự đồng thuận từ các bên liên quan thay vì quyết định vội vàng mang tính thương mại.
Trong bối cảnh bóng đá hiện đại đang ngày càng bị chi phối bởi lợi nhuận và truyền thông, câu hỏi lớn đặt ra là: Chúng ta nên ưu tiên phát triển bóng đá một cách bền vững, hay chạy theo lợi ích ngắn hạn? Câu trả lời sẽ định hình tương lai của World Cup – và của cả bóng đá thế giới.