6 Đội Tuyển Mạnh Từng Không Vượt Qua Được Vòng Loại World Cup

6 Đội Tuyển Mạnh Từng Không Vượt Qua Được Vòng Loại World Cup

Vòng loại World Cup 2026 đang bước vào giai đoạn gay cấn, khi đến thời điểm hiện tại, chỉ mới xác định được một vài cái tên chắc suất như các đội chủ nhà và những đội tuyển mạnh như Nhật Bản, Argentina. Với số lượng vé tham dự có giới hạn, bất kỳ đội bóng nào – dù mạnh yếu khác nhau – cũng đều nuôi tham vọng góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Thế nhưng, không phải lúc nào thực lực hay danh tiếng cũng đủ giúp các đội tuyển góp mặt tại World Cup. Trong quá khứ, đã có không ít “ông lớn” từng thất bại cay đắng ở vòng loại, và lỡ hẹn với giải đấu lớn nhất hành tính.

Hãy cùng điểm lại những lần vắng mặt gây tiếc nuối nhất của các đội tuyển lớn trong lịch sử World Cup qua bài viết dưới đây.

6 Đội Tuyển Mạnh Từng Không Vượt Qua Được Vòng Loại World Cúp

1. Bỉ (World Cup 2010)

Dù đang được biến đến với tư cách một trong những đội tuyển mạnh nhất thế giới và từng đứng trên đỉnh FIFA, song ít ai biết rằng đội tuyển Bỉ từng có giai đoạn chật vật tại vòng loại World Cup và thậm chí bị loại sớm. Cụ thể, đó chính là World Cup 2010.

Đội tuyển BỈ ở vòng loại WOrld Cup 2010

Giai đoạn 2008-2010 chưa phải là giai đoạn vàng son của bóng đá Bỉ. Mặc dù không sở hữu một đội hình được gọi là thế hệ vàng, nhưng đội tuyển Bỉ khi đó vẫn có những cái tên rất đáng chú ý như Vincent Kompany, Jan Vertonghen, Daniel Van Buyten hay Steven Defour.

Ở vòng loại World Cup 2010, Bỉ nằm cùng bảng với Tây Ban Nha, Bosnia and Herzegovina, Thổ Nhĩ Kì, Estonia và Armenia.

Bỉ mở đầu chiến dịch với hai chiến thắng liên tiếp trước Armenia và Estonia, nhưng sau đó dần đánh mất phong độ khi để thua tới 6 trận trong tổng số 10 trận vòng loại, bao gồm cả 2 thất bại trước Bosnia và một trận thua đậm 0-5 trước Tây Ban Nha. Chung cuộc, Bỉ chỉ xếp thứ 4/6 với 14 điểm, chính thức bị loại.

Việc không thể góp mặt tại Nam Phi năm 2010 khiến bóng đá Bỉ tiếp tục ngụp lặn trong giai đoạn chuyển giao. Dù vậy, sau thất bại này, Liên đoàn bóng đá Bỉ bắt đầu chú trọng vào đào tạo trẻ và xây dựng một thế hệ kế cận. Kết quả là chỉ 4 năm sau đó, Bỉ đã trở lại World Cup 2014 với một thế hệ vàng thực sự.

2. Chile (World Cup 2022)

Dù từng hai lần vô địch Copa America liên tiếp và là cái tên quen thuộc tại các kỳ World Cup gần đây, đội tuyển Chile đã gây thất vọng lớn khi không thể giành vé tới Qatar tham dự World Cup 2022.

Ở vòng loại khu vực Nam Mỹ, Chile sở hữu nhiều gương mặt quen thuộc như Claudio Bravo, Gary Medel, Alexis Sanchez, Arturo Vidal… Tuy nhiên, phần lớn đội hình đã bước qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, trong khi các nhân tố trẻ chưa đủ đẳng cấp để tạo nên sự kế thừa xứng đáng.

Chile chỉ giành được 19 điểm sau 18 trận, xếp thứ 7/10, chính thức lỡ hẹn với World Cup lần thứ hai liên tiếp sau khi cũng đã không thể đến Nga năm 2018. Nguyên nhân chính đến từ đội hình già nua, thiếu tính sáng tạo trong lối chơi và không có sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển giao lực lượng.

Tính đến hiện tại, bóng đá Chile vẫn chưa tìm lại hình ảnh mạnh mẽ và khó chịu như đã từng thể hiện cách đây gần một thập kỷ.

3. Anh (World Cup 1994)

Dù là một trong những cái nôi của bóng đá thế giới, đội tuyển Anh lại từng vắng mặt tại World Cup 1994 – giải đấu được tổ chức tại Mỹ. Đây là một trong những thất bại gây tranh cãi nhất trong lịch sử Tam Sư.

Tại vòng loại, Anh nằm cùng bảng với Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và San Marino. Trong bối cảnh chỉ hai đội đầu bảng giành quyền đi tiếp, thầy trò HLV Graham Taylor đã thể hiện phong độ thiếu ổn định. Họ để thua Na Uy và Hà Lan trên sân khách, hoà thất vọng với Ba Lan và Na Uy tại Wembley.

Thất bại mang tính bước ngoặt diễn ra vào tháng 10/1993, khi Anh để thua 0-2 trước Hà Lan bởi một trận đấu gây tranh cãi, trong đó có tình huống Paul Ince bị từ chối một quả phạt đền rõ ràng, còn Ronald Koeman – người lẽ ra phải nhận thẻ đỏ – sau đó chính là người ghi bàn mở tỷ số cho Hà Lan.

Dù thắng San Marino 7-1 ở lượt trận cuối, Anh vẫn không thể giành vé khi xếp thứ ba sau Na Uy và Hà Lan.

Việc không thể giành quyền dự World Cup 1994 đã chấm dứt nhiệm kỳ của HLV Graham Taylor. Đây là cú sốc lớn đối với bóng đá Anh, và cũng đánh dấu một giai đoạn khủng hoảng kéo dài cho tới tận cuối thập niên 90.

4. Na Uy (World Cup 2022)

Na Uy tại vòng loại World Cup 2022

Kể từ đầu những năm 2000 tới nay, Na Uy thường xuyên vắng mặt ở các giải đấu mang tầm cỡ thế giới. Giai đoạn 2018-2022 là giai đoạn mà đội tuyển xứ bắc Âu sở hữu đội hình thiện chiến với nhiều ngôi sao nổi bật, nhưng họ liên tục biến mất ở các giải đấu lớn, đáng tiếc nhất là World Cup 2022.

Tại vòng loại khu vực châu Âu, Na Uy rơi vào bảng G cùng Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro, Latvia và Gibraltar – một bảng đấu được đánh giá là cơ hội vàng cho thầy trò HLV Ståle Solbakken. Với sự hiện diện của siêu tiền đạo Erling Haaland, nhạc trưởng Martin Ødegaard, cùng hàng loạt cái tên sáng giá như Alexander Sørloth, Kristoffer Ajer hay Sander Berge, giới chuyên môn kỳ vọng Na Uy sẽ cạnh tranh sòng phẳng suất vào thẳng VCK.

Tuy nhiên, hành trình của họ lại nhuốm màu thất vọng. Dù khởi đầu không tệ và từng giữ vị trí nhì bảng trong phần lớn chiến dịch, Na Uy lại liên tục đánh rơi điểm đáng tiếc trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn. Ở trận đấu quyết định, khi buộc phải thắng để giành vé play-off, Na Uy đã gục ngã 0-2 trước Hà Lan trong một màn trình diễn mờ nhạt.

Chung cuộc, Na Uy chỉ giành được 18 điểm, đứng thứ ba sau Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó chính thức lỡ hẹn với World Cup. Việc Haaland chỉ ra sân 5 trong số 10 trận vì chấn thương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh tấn công của đội bóng. Bên cạnh đó, HLV Solbakken vẫn chưa định hình được lối chơi rõ ràng, trong khi đội hình gồm nhiều cái tên tiềm năng, nhưng lại chưa có đủ bản lĩnh ở những thời khắc quan trọng.

Thất bại tại vòng loại World Cup 2022 như một hồi chuông cảnh tỉnh cho bóng đá Na Uy. Thế hệ hiện tại, dù đầy tài năng, vẫn cần thời gian để hoàn thiện bản lĩnh và sự ổn định. Với việc World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội, Na Uy vẫn còn nguyên cơ hội để góp mặt, miễn là họ học được những bài học từ chính cú vấp ngã này.

5. Xứ Wales (World Cup 2018)

Sau kỳ EURO 2016 thăng hoa với chiến tích lọt vào bán kết, xứ Wales được kỳ vọng sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện cổ tích ở vòng loại World Cup 2018 tại Nga. Sở hữu dàn trụ cột giàu kinh nghiệm như Gareth Bale, Joe Allen, Aaron Ramsey, cùng với sự dẫn dắt của HLV Chris Coleman – người hùng đã đưa Wales tới đỉnh cao ở nước Pháp, đội bóng này được xem là một trong những ứng viên sáng giá cho tấm vé đi tiếp tại bảng D khu vực châu Âu.

Bảng đấu của xứ Wales bao gồm Cộng hòa Ireland, Serbia, Áo, Gruzia và Moldova – những cái tên không quá vượt trội về đẳng cấp. Thế nhưng, đoàn quân của HLV Chris Coleman đã không thể tận dụng được lợi thế đó. Họ hòa quá nhiều, với 5 trên tổng số 10 trận, trong đó có những trận đánh rơi điểm đáng tiếc trước Áo và Gruzia ngay trên sân nhà. Việc chỉ giành được 17 điểm khiến xứ Wales về đích ở vị trí thứ ba, sau Serbia và Ireland, qua đó chính thức lỡ hẹn với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Một phần nguyên nhân đến từ việc lối chơi của xứ Wales dần trở nên đơn điệu và phụ thuộc quá nhiều vào cảm hứng từ Gareth Bale. Tiền đạo thuộc biên chế Real Madrid thời điểm đó vẫn là điểm tựa tinh thần lớn nhất, nhưng lại dính chấn thương và vắng mặt trong hai lượt trận cuối gặp Georgia và Ireland – những trận đấu then chốt khiến Wales không thể giành trọn điểm. Bên cạnh đó, sự sa sút phong độ của một số trụ cột và việc thiếu chiều sâu đội hình cũng khiến họ không còn là tập thể khó chịu như tại EURO 2016.

Sau nỗi thất vọng ở vòng loại World Cup 2018, xứ Wales phải chờ thêm bốn năm nữa để trở lại đấu trường danh giá khi giành vé tới Qatar năm 2022. Dù vậy, hành trình của họ tại Qatar cũng nhanh chóng kết thúc với chỉ 1 điểm sau 3 trận vòng bảng.

6. Ý (World Cup 2022)

Đội tuyển Ý bị loại khỏi WOrld Cup 2022

Từng là nhà vô địch thế giới bốn lần, đội tuyển Ý, biểu tượng của bóng đá phòng ngự đỉnh cao, lại không góp mặt tại hai kỳ World Cup liên tiếp gần đây. Trong đó, nỗi thất vọng lớn nhất chính là thất bại ở vòng loại World Cup 2022, diễn ra ngay sau khi họ lên ngôi vô địch EURO 2020. Đây được xem là một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử bóng đá quốc tế hiện đại.

Tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu, Ý nằm ở bảng C cùng Thụy Sĩ, Bắc Ireland, Bulgaria và Lithuania, một bảng đấu không quá khó khăn nếu xét về chất lượng đội hình. Dưới sự dẫn dắt của HLV Roberto Mancini, người đã giúp họ vô địch châu Âu không lâu trước đó, đội tuyển Ý được kỳ vọng sẽ dễ dàng giành vé trực tiếp.

Thế nhưng, những trận hòa đáng tiếc, đặc biệt là hai lần bị Thụy Sĩ cầm chân và trận hòa không bàn thắng với Bắc Ireland ở lượt cuối – đã khiến họ chỉ xếp nhì bảng với 16 điểm, qua đó phải bước vào vòng play-off.

Tại vòng play-off tranh vé vớt, Ý đối đầu Bắc Macedonia trong một trận đấu diễn ra trên sân nhà. Trong kịch bản không ai ngờ tới, đội bóng áo thiên thanh đã để thua 0-1 bởi bàn thắng muộn của Aleksandar Trajkovski. Dù kiểm soát phần lớn thời lượng bóng và tung ra gần 30 cú sút, thầy trò Mancini vẫn không thể xuyên thủng mành lưới đối thủ, một minh chứng rõ nét cho sự bế tắc trên hàng công.

Vấn đề lớn nhất của đội tuyển Ý nằm ở khả năng ghi bàn. Trong khi các tuyến khác cónhững ngôi sao như Gianluigi Donnarumma, Leonardo Bonucci, Marco Verratti hay Federico Chiesa, thì hàng tiền đạo lại thiếu vắng một trung phong thực thụ ở đẳng cấp thế giới. Ciro Immobile đã không còn duy trì được sự ổn định, trong khi các phương án khác như Belotti, Raspadori hay Scamacca không có nhiều đóng góp.

Hai kỳ World Cup liên tiếp vắng bóng là những nốt trầm của bóng đá Ý. Nếu không kịp thời cải thiện, đoàn quân áo thiên thanh hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ lỡ hẹn thêm một lần nữa tại World Cup 2026.

Scroll to Top